Giới thiệu làng nghề Mỳ gạo chũ
Làng nghề truyền thống làm mỳ gạo thôn Thủ Dương
Từ lâu, mỳ gạo sản xuất tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang mà người tiêu dùng quen gọi là Mỳ Chũ khá nổi tiếng trên thị trường. Mỳ Chũ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng để nấu ăn thường xuyên trong các bữa ăn của gia đình.
Trong những ngày đầy nắng, trên các con đường trong thôn càng sáng hơn bởi màu trắng của những dàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình. Thôn Thủ Dương chỉ cách thị trấn Chũ (Thị trấn Lục Ngạn) một cây cầu bắc qua sông. Mỳ gạo được sản xuất ở thôn Thủ Dương rất thơm ngon, khi chín sợi mỳ dẻo và dai là món ăn được nhiều người ưa thích.
Trước đây, việc xay bột, tráng và thái bánh trong quy trình sản xuất mỳ ở Thủ Dương vẫn hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống đó là xay gạo bằng cối đá, tráng mỳ bằng xoong, đun bếp củi, mỳ sau khi phơi ráo nước thì thái bằng dao nên năng suất thấp. Nhưng từ năm 2005, nhiều hộ trong thôn đã đưa máy móc vào sản xuất nên năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Nếu như trước đây, việc xay bột, tráng bánh, thái bánh thành sợi mỳ đều bằng tay thì một xưởng sản xuất chỉ chế biến được từ 20-25 kg gạo mỗi ngày. Đến nay khi nhà xưởng sản xuất sử dụng máy xay bột, máy tráng bánh và máy thái, một ngày xưởng sản xuất sẽ chế biến được từ 500-700 kg gạo.
Để đảm bảo chất lượng mỳ, các hộ làm mỳ trong thôn đều có bản cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay chất phụ gia mà vẫn sản xuất mỳ theo phương pháp cổ truyền và phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do luôn quan tâm đảm bảo chất lượng để giữ uy tín của làng nghề nên việc tiêu thụ mỳ ở Thủ Dương khá thuận lợi, mỳ làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Nguyên liệu sản xuất Mỳ Chũ gồm: Gạo tẻ ngon và nước tự nhiên tinh khiết.
Gạo để làm mỳ phải là loại gạo ngon, trắng, sạch, không dính khi tráng thành bánh. Trước đây, bà con thường chỉ làm mỳ từ loại gạo ngon tại địa phương nhưng khi sản lượng mỳ tăng lên nhiều trong những năm gần đây thì còn nhập thêm các loại gạo ngon, đảm bảo đúng tiêu chuẩn làm mỳ như bao thai hồng, gạo không số, gạo khang dân, gạo tẻ ngon xuất khẩu… Nguồn nước làm mỳ là nước tự nhiên tinh khiết lấy từ các giếng khoan được lọc sạch qua các bể lọc của các hộ gia đình. Việc sản xuất mỳ theo một quy trình liên hoàn nên người dân làm không hết việc.
Quy trình sản xuất Mỳ Chũ:
Cứ vào mỗi chiều người làm mỳ tiến hành vo làm sạch gạo, ngâm gạo và xay bột, rồi ngâm bột để đến sáng hôm sau tráng và phơi bánh. Từ khoảng gần trưa đến chiều khi bánh khô thì nhặt bánh đem trần bánh, rồi ủ, gấp bánh để đến sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại đem phơi khô. Khi các dàn mỳ thái khô đủ độ thì được bó thành từng bó mỳ (còn gọi là mớ mỳ) và đóng gói thành phẩm.
Các công đoạn trên, cũng có công đoạn do nhiều người chia nhau làm cùng lúc hoặc một người tham gia làm nhiều công đoạn theo từng thời điểm trong ngày và cứ tuần tự luân vòng như vậy hết ngày này đến ngày khác. Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm mỳ đặc thù của Thủ Dương cũng không dễ mà đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, nhãn hiệu Mỳ Chũ Bắc Giang được bảo hộ, mẫu mã bao bì đóng gói thể hiện rõ thông tin cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Qua đó, uy tín sản phẩm mỳ gạo chũ của làng nghề Thủ Dương ngày càng được nâng cao rõ rệt; hạn chế việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và mang lại lợi ích, sự tin tưởng cho người tiêu dùng.