Với nhiều người, Mỳ Chũ là một món ăn không còn quá xa lạ, nhưng để làm ra những sợi mỳ nức tiếng ấy là cả một quá trình công phu.
Mỳ gạo Chũ được làm ra bởi gạo bao thai hồng, đây là loại gạo được trồng ở vùng đất đồi Lục Ngạn nên hạt gạo rất chắc, to, khi nấu lên rất thơm, dẻo. Có lẽ chính vì thế mà mỳ Chũ lại có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên. Gạo được sàng lọc kĩ càng, sẽ vo sạch bụi bẩn, loại bỏ tạp chất, rồi ngâm nước trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Sau đó, sẽ xay nhuyễn gạo đã ngâm nước, thành hỗn hợp sánh mịn và dẻo, rồi lại tiếp tục được ủ, chỉ riêng công đoạn làm bột gạo đúc bánh cũng rất lắm công phu, đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề của người làm.
Người dân làng nghề cho biết, trước kia bánh phải tráng bằng tay rất vất vả, hiệu quả thấp. Từ khi thay thế bằng lò hơi cải tiến, sản lượng tăng cao, công sức tiết kiệm hơn hẳn mà sợi mỳ cũng mỏng đều, mịn mượt.
Sự hòa quyện của gạo quê và nguồn nước trong lành từ vùng núi đồi sông Lục, cùng đôi tay nghệ nhân làng nghề đã mang lại hương vị đặc trưng độ giòn, dẻo dai và thơm ngon cho mỳ Chũ.
Nhiều gia đình tại Thủ Dương có truyền thống làm mỳ, và cứ thế cha truyền - con nối, mỳ Chũ đã trở thành kế sinh nhai, phát triển kinh tế cho vùng đất trước đây còn nhiều khó khăn.
Những chiếc lò luôn đỏ lửa là minh chứng cho sự phát triển của một làng nghề đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân nơi đây, mỳ Chũ đã và đang vươn xa trở thành món đặc sản "không thể thiếu" với ai có dịp về thăm mảnh đất này.
Những "tấm lụa" dẻo thơm ra lò còn nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Với nhiều du khách, nếm thử bánh tráng ngay lúc này cũng là một trải nghiệm rất thú vị, từng miếng bánh dẻo dai, thơm mùi gạo mới thật sự rất khó quên.