Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Quê Xưa
Mã số thuế: 2400986609
Điện thoại: 0911141616
Địa chỉ: Thủ Dương – Nam Dương – Lục Ngạn – Bắc Giang
Khi nhắc đến những đặc sản của Bắc Giang thì không thể không nhắc đến sản phẩm Mỳ Chũ – xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Hiện nay ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng Mỳ Chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng khắp trong và ngoài nước. Điều khác biệt ở đây chính là mạch nguồn nước ngầm trong lành của vùng quê cùng với đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm hơn 60 năm của một làng nghề truyền thống và cả những nguyên liệu đặc sản gạo quê của vùng núi Lục Ngạn đã tạo nên thương hiệu Mỳ Chũ hôm nay.
Từ nhiều năm nay đặc sản Mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người con quê hương Lục Ngạn. Món ăn dân dã thôn quê ấy đã trở nên phổ biến trong mọi gia đình cũng như ngày càng xuất hiện nhiều tại nhà hàng cao cấp. Ngày nay, Mỳ Chũ không chỉ được người tiêu dùng các tỉnh trong cả nước ưa chuộng mà còn có mặt ở những thị trường nước ngoài như các nước Trung Quốc và các nước Tây Âu. Với những thành quả đó, Đặc sản Mỳ gạo Chũ được Bộ Công Thương bình chọn, công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2014 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.
Hiện nay, làng nghề Mỳ Chũ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có trên 300 hộ sản xuất Mỳ gạo chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó, trên 100 hộ tham gia vào Hội sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Lục Ngạn.
Cội nguồn của những thành phẩm đặc sản đó chính là từ nguyên liệu gạo bao thai của vùng Lục Ngạn, nguồn nước trong lành của vùng quê bên bờ sông Lục, cùng với đó là sự cần cù sáng tạo của những người thợ với phương pháp quy trình làm nghề truyền thống trong suốt hơn 60 năm qua. Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người thợ phải đổ nhiều mồ hôi công sức. Gạo đem về đãi, vo sạch, cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng 6 đến 8 tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột dẻo, sánh. Bột ấy được lọc nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người nghệ nhân đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mỳ đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mỳ sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng cả là một nghệ thuật mà không phải là người làm mỳ nào cũng thực hiện được. Như vậy từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong thời gian trên 36 tiếng đồng hồ để cho ra đời những sợi mỳ đặc sản dẻo, dai.